Phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương (Phần 3)

12/10/2018 | 14:20

Các mô hình chuỗi giá trị CNĐD

Chuỗi giá trị CNĐD được Hội Nghề cá Khánh Hòa và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa quan tâm triển khai từ năm 2011.

Năm 2011, Mô hình Hợp tác 2 Ngư đội – Công ty TNHH MTV 128 HQ

Thực hiện hợp tác với Công ty TNHH MTV 128 Hải quân, Hội Nghề cá  Khánh Hòa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 2 Ngư đội, mỗi Ngư đội có 5 tàu. Hợp tác khai thác và thu mua trên biển giữa 2 bên được thực hiện từ tháng 01/2011 đến tháng 3/2011 theo mô hình tổ chức sản xuất: Tàu mẹ - tàu con; ngư trường hoạt động tại quần đảo Trường Sa (đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây) với sự tham gia 02 Tàu mẹ của Công ty TNHH MTV 128 Hải quân. Với nhiều lý do về an ninh vùng biển, dự án không thực hiện được.

Năm 2012, Mô hình Tổ hợp tác 6 Ngư đội – Hải Vương 68

Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội CNĐD, đại diện của 6 Ngư đội (Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Lát, Sinh Tồn, Đá Nam, Đá Tây) phối hợp với Công ty CP Thủy sản Hải Vương (Thanh Hoá) tổ chức khai thác và thu mua trên biển.

Hình 6. Tàu Hải Vương 68

Hình thức tổ chức sản xuất: Tàu mẹ (Hải Vương 68) - tàu con (6 Ngư đội, mỗi Ngư đội có 5 tàu)     

Tàu mẹ có các tính năng kỹ thuật:

      • Tên tàu: HẢI VƯƠNG 68.

      • Công dụng: Thu gom, sơ chế, cấp đông, bảo quản thủy sản.

               • Vật liệu: Vỏ thép  Lmax = 55,06m; Bmax = 8,6m;

                D (chiều cao mạn) = 3,42m; d (chiều chìm) = 4m

      • Tổng dung tích = 640 TĐK.

      • Máy chính: AKASAKA AH - 28; Công suất: 1.200 CV.

               • Hệ thống lạnh: cấp đông nhanh tại tủ đông 4 tấn/ngày đến - 600C. 

      • Năm đóng: 1973 tại Incheon Korein (Hàn Quốc).

Các tàu con có đặc tính kỹ thuật:

      • Kích thước: L= 17 - 20m.         

      • Máy chính: > 200CV.

      • Công dụng: Câu vàng.

      • Hệ thống bảo quản: Đá lạnh xay.

Tổng kinh phí thực hiện dự án: 15 tỷ đồng.

Thực hiện theo Biên bản cuộc họp ngày 12/02/2012 về việc liên kết khai thác và thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa theo mô hình Tàu mẹ - tàu con giữa các bên Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nghề cá, Hiệp hội CNĐD, Công ty CP Thủy sản Hải Vương và đại diện 6 Ngư đội, Hội Nghề cá đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản pháp quy có liên quan đến Tổ hợp tác 6 Ngư đội – Hải Vương 68.

CHUỖI GIÁ TRỊ CNĐD: TỔ HỢP TÁC 6 NGƯ ĐỘI – HẢI VƯƠNG 68

Kết quả hoạt động của Tổ hợp tác 6 Ngư đội – Hải Vương 68

Các tàu con đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, Tàu mẹ đậu ngoài khơi theo tọa độ thống nhất với các tàu con. Hệ thống thông tin liên lạc: Từ Tàu mẹ về Trạm bờ, từ Tàu mẹ với tàu con và tàu con với Trạm bờ thông suốt.

Từ ngày 22/02/2012 đến ngày 27/02/2012 (6 ngày), Tàu mẹ đã mua được trên biển 21.463 kg CNĐD từ 20 tàu con (có 1 tàu gửi bán), trong đó có 19.541 kg loại 1 chiếm 91%, 655 kg loại 2 chiếm 3% và 1.267 kg cá dạt chiếm 6%.   

Bảo quản sau thu hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng

       - Các tàu con đều thực hiện sơ chế theo truyền thống: cắt tiết, xả máu, bỏ mang và nội tạng, muối đá xay và chuyển xuống hầm bảo quản bằng đá xay.

       - Tàu mẹ nhận sản phẩm từ tàu con sau khi phân loại được đưa vào tủ cấp đông nhanh với nhiệt độ - 600C, sau đó được chuyển xuống hầm bảo quản - 600C.

Giá thu mua cá: Theo Biên bản giá mua CNĐD ngày 28/02/2012 với đơn giá loại A: 178.000 đ/kg, loại B: 117.000 đ/kg và loại C: 88.000 đ/kg. Loại A chiếm 91%.

Sau đó, Công ty Công ty CP Thủy sản Hải Vương chuyển lô hàng này sang đấu giá ở chợ Seuol (Hàn  Quốc), tại chợ đấu giá khách hàng chỉ trả giá 4 USD/kg. Công ty chuyển về lại Nha Trang bán cho Công ty TNHH Thịnh Hưng.

Đến giữa tháng 4 năm 2012, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hải Vương thông báo về việc tạm dừng hoạt động của Tổ hợp 6 Ngư đội - Hải Vương 68.

Một số vấn đề tồn tại dẫn đến thất bại:

        1. Việc phân loại trên tàu do chuyên gia Hàn Quốc thực hiện là không chính xác với loại 1 chiếm 91%, trong khí đó câu vàng cá loại 1 nằm trong khoảng 4 - 6% (Bảng 3) dẫn đến lỗ nặng. Chất lượng CNĐD bảo quản trên các tàu con thấp.

       2. Việc chuyển cá từ tàu con lên Tàu mẹ chưa được hợp lý. Tàu con không dám cặp mạn Tàu mẹ vì sợ va đập nên chuyển cá lên Tàu mẹ bằng thuyền thúng rất chậm và không an toàn, lại không sử dụng được hệ thống cẩu của Tàu mẹ.

       3. Tàu mẹ chỉ có 01 tủ đông nhanh với công suất 4 tấn/ngày, hầu hết các tàu con đều có cá nên Tàu mẹ bị quá tải.

Năm 2014, Dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” của Công ty Yanmar.

Thực hiện Quyết định số: 3465/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/08/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v phê duyệt Đề án: “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Ngày 2/8/2014, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Công ty Yanmar (Nhật Bản) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chế tạo Tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang khánh thành tàu khảo sát và huấn luyện bằng vật liệu composite, đồng thời giới thiệu chương trình hợp tác với ngư dân để nâng cao chất lượng cá ngừ.

Đây là chiếc tàu đầu tiên nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững” của Công ty Yanmar.   

Chiếc tàu do Viện Nghiên cứu Chế tạo Tàu thủy sản xuất với thiết kế cùng công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm của Công ty Yanmar.

Hình 7. Tàu VIJAS Research & Training Vessel (Yanmar 01) vỏ composite chạy thử thành công

Mục tiêu là công ty đánh cá cổ phần sẽ đầu tư 180 tàu vỏ composite chia đều hoạt động tại 3 địa phương là Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, trên nguyên tắc doanh nghiệp hỗ trợ 65% tổng số vốn ban đầu, ngư dân đóng góp 35%; đồng thời Yanmar đảm nhận chuyển giao kỹ thuật khai thác bảo quản cá cho ngư dân tham gia tổ đội đánh bắt và bao tiêu xuất khẩu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Công ty Yanmar chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu trực tiếp cá ăn tươi loại A - 9 USD/kg. Nguyên tắc liên kết đầu tư phương tiện, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và chia sẻ lợi nhuận sẽ tạo động lực cho ngư dân nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm.

Dự báo, từ năm 2015 sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn CNĐD hằng năm.

Các tính năng kỹ thuật  tàu VIJAS Research &Training Vessel:

         • Tên tàu: Yanmar 01

         • Vật liệu: Composite 

 • Công dụng: Câu tay kết hợp ánh sáng - đèn Led.

 • Vật liệu: Composite  Lmax = 18,50m; Bmax = 4,5m; D = 2,5m;

 • Tải trọng: 50 tấn,

 • Máy chính: YANMAR, Nhật, công suất 350Hp/1950rpm.

 • Máy phát điện: Dinamo 220V - 10kVA dẫn động từ máy chính.

 • Tốc độ hơn 11,5 hải lý/giờ

Năm đóng: 2014 tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Tổ chức sản xuất: Độc lập.

Kinh phí thực hiện dự án thí điểm: Khoảng 10 tỷ đồng (dự kiến).

Nguồn kinh phí: Công ty Yanmar.

Bảo quản sau thu hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng
         - Tàu YANMAR 01 có 9 hầm bảo quản bằng đá xay.

         - Thiết bị hỗ trợ: Thiết bị kích điện cho tê và thiết bị “bắn” từ vùng đầu dọc xương sống đến đuôi làm cá chết trong vòng một phút, sau đó mổ lấy nội tạng,   “mặc áo” cho cá rồi đưa xuống hầm đá ướp như ngư dân Việt Nam vẫn làm.

Kết quả các chuyến biển của tàu YANMAR 01:

Trong ba chuyến ra khơi gần nhất, Công ty sử dựng công nghệ dự báo ngư trường bằng hình ảnh viễn thám, tàu chỉ đi biển 09 ngày nhưng câu được 25 con CNĐD với tổng trọng lượng 2 tấn, giảm một nửa thời gian đánh bắt nhưng tăng gấp đôi sản lượng so với tàu gỗ.

Một số vấn đề tồn tại dẫn đến chưa thành công:

        - Trên tàu thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chỉ tác động hỗ trợ cho quá trình thu hoạch và sơ chế, do vậy chất lượng sản phẩm không khác gì so với tầu câu truyền thống, việc đi ngắn (9 ngày/chuyến biển) không phù hợp với tập quán của ngư dân. 

        - Công nghệ dự báo ngư trường bằng hình ảnh viễn thám tốn nhiều tiền, không thể thực hiện ngay trên tàu mà được xử lý tại trung tâm điều hành.

         - Do khả năng không thực hiện được dự án, tháng 5 năm 2018, tàu Yanmar 01được bán cho doanh nghiệp của Brunei, kết thúc Dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững”.

Năm 2014, Dự án Chuỗi giá trị CNĐD đông lạnh tại Khánh Hòa

Năm 2014, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Xây dựng chuỗi giá trị CNĐD đông lạnh thí điểm tại Khánh Hòa".

Trong liên kết thực hiện chuỗi giá trị CNĐD ở Khánh Hòa có 5 nhà: Ngư dân (Ngư đội đoàn kết sản xuất trên biển), Doanh nghiệp (Công ty TNHH Hải Vương), Quản lý nhà nước (Sở Nông nghiệp và PTNT), Hội (Hiệp hội), Tín dụng (Ngân hàng).

Kinh phí thực hiện Dự án: trên 22 tỷ đồng bao gồm 22 tỷ đồng mua 2 tàu và các chi phí khác.

Nguồn kinh phí thực hiện dự án: Công ty TNHH Hải Vương.

Thời gian thực hiện: Trong 5 năm bắt đầu từ 2015

Hình 8. Ông Lê Tấn Bản Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa chủ trì Hội nghị

Về chiến lược phát triển đội tàu hiện đại: Trong 5 năm tới, Công ty TNHH Hải Vương sẽ phát triển đội tàu lên 50 chiếc, đánh bắt trên 15.000 tấn cá ngừ/năm; trong 10 năm tới đội tàu sẽ có khoảng 100 chiếc, đánh bắt trên 40.000 tấn cá ngừ/năm. Với công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện đại nhất đội tàu này không những khai thác trong vùng biển Việt Nam mà còn có khả khai thác viễn dương.      

Hội Nghề cá Khánh Hòa cùng Công ty TNHH Hải Vương làm các thủ tục để nhập khẩu tàu câu CNĐD có hệ thống đông lạnh từ - 50 C đến - 400 C hiện đại nhất ở Việt Nam, đã được Chính phủ cho phép nhập khẩu theo công văn số: 1635/TTg- KTN ngày 11/9/2015 V/v nhập khẩu tàu cá vỏ composite.   

Ngày 26/02/2016, 2 tàu HAVUCO 01 & 02 (Tàu của Công  ty TNHH Hải Vương vừa nhập khẩu) chính thức xuất bến đi khai thác thử nghiệm và chuyển giao công nghệ trên vùng biển Việt Nam.

Giới thiệu về 2 tàu HAVUCO 01 & HAVUCO 02 (Theo số đăng ký mới của Đăng kiểm tàu cá Việt Nam).

          - Nước và năm sản xuất: Đài Loan, 2007.

          -  Vật liệu: Composite;          - L= 23,9 m; B= 5m; H= 2,5 m.

          - Trọng tải: 80 tấn; lượng chở: 23,8 tấn.

          - Máy chính: 640CV.

          - 02 máy phụ, mỗi máy 140CV.

  - 02 máy nén lạnh, mỗi máy 40CV đảm bảo cung cấp lạnh, bảo quản sản phẩm từ - 50C (cá ăn tươi) đến - 400C (đông sâu).

          - Toàn bộ hệ thống đều được điều khiển tự động tại ca bin lái.

          - Nghề: Câu vàng.

          - Thiết bị hàng hải: GPS, SSB, VHF, hệ thống lái tự động, rada.

         - 01 máy nhắn tin VX1700/1tàu (Chi cục KT và BVNLTS bố trí thêm).

Bảo quản sau thu hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng

Sau khi sơ chế cá được đưa xuống bảo quản trong các hầm nước biển lạnh đến - 50C (CNĐD ăn tươi) và hầm cấp đông đến - 400C (đối với cá cờ, cá kiếm...).  

Nét nổi bật của Chuỗi giá trị CNĐD đông lạnh thí điểm tại Khánh Hòa là sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện đại ngâm trong RSW thay cho công nghệ bảo quản truyền thống bằng đá lạnh xay.

Hình 9. Tàu HAVUCO 01 & 02 trên ụ sửa chữa trước khi đưa về Việt Nam    

Một số vấn đề tồn tại dẫn đến chưa thành công:

Tàu HAVUCO 01 & HAVUCO 02 là loại tàu chuyên dùng câu CNĐD viễn dương. Với mức độ hiện đại thời kỳ 4.0 của 2 tàu trên, Công ty TNHH Hải Vương chưa có thuyền trưởng và thuyền viên đảm nhận được việc điều khiển tự động hóa toàn bộ hệ thống thiết bị trên tàu đặc biệt là hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch với công nghệ cao. Hiện tại đậu tại bến.

Năm 2015, chuỗi liên kết để xuất khẩu CNĐD sang Nhật Bản

Thực hiện Quyết định số: 3465/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/08/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v phê duyệt Đề án: “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, được sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hội hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai (Nhật Bản), UBND tỉnh Bình Định đã triển khai Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD Bình Định”. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2015 - tháng 4/2017.

Nội dung chính của Dự án: Phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ khai thác, sơ chế, bảo quản CNĐD. Đồng thời, dự án hỗ trợ tổ chức khai thác, sơ chế bảo quản trên biển, hậu cần vận chuyển vào bờ; hướng dẫn đánh giá phân loại chất lượng CNĐD; xúc tiến thương mại; tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 27,58 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh 10,3 tỷ đồng; phía Nhật 17,28 tỷ đồng (gồm: 25 bộ ngư cụ và chi phí chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ cá ngừ tại Nhật Bản).

Các bên Liên danh là Công ty KATO-JAMADA Nhật Bản; UBND tỉnh Bình Định (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định), chủ tàu và ngư dân 25 tàu câu cá ngừ tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO). Đối tác Nhật Bản có 4 công ty tham gia gồm KATO, JAMADA, DAISUI và DAIKI.    

Các công ty này liên kết để sản xuất, cung cấp thiết bị, ngư cụ khai thác cá ngừ, hướng dẫn sử dụng và kỹ thuật khai thác, bảo quản cá ngừ cho ngư dân và cán bộ; xúc tiến tiêu thụ mặt hàng CNĐD của dự án tại Nhật Bản. Ngoài ra, phía Nhật còn có sự tham gia tư vấn kỹ thuật của Khoa Thủy sản Trường Đại học Kagoshima.

Hình 10. Đánh bắt CNĐD tại Bình Định theo công nghệ Nhật Bản

Công nghệ khai thác trên các tàu tham gia dự án: Cây tay kết hợp ánh sáng.

Bảo quản sau thu hoạch: Đá lạnh xay (thẩm thấu) kết hợp với ngâm.

Số tàu tham gia: 25 tàu cá vỏ gỗ.

Bảo quản sau thu hoạch và các giải pháp nâng cao chất lượng

         - Để tăng chất lượng cá câu: Sử dụng Máy thu câu  MSW-1DR 130; Máy tạo xung Tuna Shocker, đồng thời rê cá dưới biển thời gian từ 30 phút đến 1 giờ để hạn chế cá vùng vẫy trước khi đưa lên tàu, khắc phục hiện tượng xuống cấp của cá.

        - Áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Nhật Bản: Hệ thống lạnh hỗn hợp.

        - Để khuyến khích ngư dân áp dụng ngư cụ và công nghệ Nhật Bản, tỉnh Bình Định hỗ trợ chủ tàu tham gia dự án kinh phí cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản 30 triệu đồng/tàu.

        - Đồng thời hỗ trợ công sức lao động cho ngư dân các tàu tham gia dự án thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là 50.000 đồng/kg đối với cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi đi Nhật (loại A) và 10.000đ/kg đối với cá loại B. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định hỗ trợ 3.000 đồng/kg cá đối với các tàu tham gia dự án và 20% giá cá đối với cá xuất khẩu qua Nhật Bản.

      - Thời gian chuyến biển thí điểm rút ngắn còn 2 tuần.

Kết quả thực hiện Dự án :

Ngư dân đã sử dụng thuần thục quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản CNĐD theo kiểu Nhật Bản, chất lượng sản phẩm được cải thiện. Tổng sản lượng CNĐD ngư dân khai thác được 380 tấn, trong đó cá ngừ đạt loại A chiếm 3%, loại B chiếm 81%, phần còn lại là loại C và D. Đáng chú ý là lần đầu tiên, Binh Định đã xuất khẩu được nguyên con (36 con) CNĐD sang Nhật Bản và được thị trường Nhật Bản chấp nhận với giá khá cao, bình quân 1.241 yên/kg (tương đương 237.800 đồng/kg). Sản phẩm CNĐD của tỉnh cũng đã được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản.

Theo BIDIFISCO, dù vận chuyển bằng máy bay nhưng nếu tính từ lúc cá được chở vào bờ đến khi ra phiên chợ đấu giá bên Nhật mất 2 ngày nên chất lượng cá cũng giảm đáng kể, dẫn đến giá bán không cao. Trong khi đó, giá thu mua cùng chi phí vận chuyển đã lên 170.000 đồng/kg, nếu kết quả đấu giá tại Nhật Bản dưới 300.000 đồng/kg thì BIDIFISCO bị lỗ.     

Tập đoàn Kato Office cho biết sở dĩ giá thấp như vậy là bởi chất lượng thịt cá hầu như không thể chế biến được thành các sản phẩm giá trị gia tăng như sushi, sashimi, mà chỉ phù hợp để đóng hộp hoặc philê đông lạnh. Số cá CNĐD đủ điều kiện xuất khẩu nguyên con với giá cao chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Sau 2 năm triển khai đề án đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật tại Bình Định chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ngư dân không mấy mặn mà.

Năm 2015, Chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ  cá ngừ của Công ty Bá Hải

Ngày 17/4/2015, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số: 714/QĐ-UBND Công bố “Chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty Cổ phần Bá Hải”. Chuỗi này do Công ty Cổ phần Bá Hải chủ trì, hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm khai thác và dịch vụ hậu cần, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm với 08 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 72

tàu tham gia.

Tính năng kỹ thuật các tàu tham gia dự án:

        - Vật liệu: Vỏ gỗ; L = 17- 20m; Công suất > 90CV

        - Nghề: Câu tay kết hợp ánh sáng.

        - Bảo quản sau thu hoạch: Đá lạnh xay.

        - Sơ chế: Theo truyền thống kết hợp hướng dẫn của Công ty.

        - Thời gian chuyến biển: 20 - 30 ngày.

        Kinh phí thực hiện dự án: Không.

Hơn 01 năm thực hiện mô hình hiệu quả chưa cao, do một số nguyên nhân chính như: (i) Doanh nghiệp chưa vay được nguồn vốn Nghị định 67 để đầu tư cải tiến công nghệ tại nhà máy và trên các tàu khai thác; (ii) Hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ ngư dân không bán sản phẩm cho Công ty mà bán qua các đầu nậu làm tăng giá mua nguyên liệu; (iii) Công ty Cổ phần Bá Hải khó khăn về tải chính nên rất khó vay được vốn các ngân hàng thương mại.

Năm 2016, Chuỗi liên kết thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Năm 2016, Chuỗi liên kết thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thành lập.

Tính năng kỹ thuật các tàu tham gia dự án: Tương tự như dự án của Phú Yên.

Kinh phí thực hiện dự án: Không. Công ty chỉ hỗ trợ tiền khen thưởng.

Giá mua của Công ty đến 110 ngàn đồng/kg.

Sau chuyến biến các tàu tập kết về cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, cán bộ kỹ thuật Công ty phân loại, đánh giá chất lượng, thanh toán cho các tàu.

Hình 11.  Các tàu tham gia Chuỗi

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH Thịnh Hưng cho thấy:

Năm 2016, có 40 tàu tham gia chuỗi với số chuyến biển là 120, sản lượng 125 tấn. Ngư trường: Trường Sa, Hoàng Sa.    

Năm 2017, có 60 tàu tham gia chuỗi với số chuyến biển 324, sản lượng 486 tấn. Ngư trường: Trường Sa, Hoàng Sa. Trong số 486 tấn cá ngừ ngư dân tham gia chuỗi khai thác được, có đến 95% đạt chất lượng, trong đó có 30% đạt loại A. Nhờ thực hiện chuỗi liên kết, doanh nghiệp ổn định hơn về nguồn nguyên liệu có chất lượng, từ đó chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Sáu tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH Thịnh Hưng đã thực hiện giao dịch 265 chuyến biển với tổng sản lượng theo chuỗi là 250 tấn, bình quân mỗi chuyến biển khoảng 1,0 tấn cá ngừ. Chất lượng bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn CO  95%, trong đó loại A đạt bình quân 2% (chất lượng hàng máy bay).

Theo phân tích của chúng tôi, Công ty TNHH Thịnh Hưng có thể bị lỗ vào năm 2017 do đánh giá chất lượng sản phẩm không đúng bởi vì Công ty không đầu tư gì vào quá trình khai thác, bảo quản trên các tàu tham gia dự án mà chất lượng đạt loại A 30% giống như trường hợp của Công ty TNHH Hải Vương (Thanh Hóa).

Theo các kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Bảng 3 và kết quả các chuyến biến của 25 tàu cá tham gia dự án của Bình Định, chất lượng hàng máy bay chỉ đạt 2% - 3% trong Sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty TNHH Thịnh Hưng có thể chấp nhận được.

Th.S. Võ Thiên Lăng

PCT Hội Nghề cá Việt Nam

CT Hội Nghề cá Khánh Hòa

Th.S. Võ Nam Thắng

PGĐ Sở Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn Khánh Hòa

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Các đơn vị tài trợ

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

Số 16-18, Đường ĐT 743, KCN Sóng Thần II Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

Lô 22A, đường số 1, Khu Công Nghiệp Tân Tạo, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Km1595, QL1A, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

Ấp Bình Điền, Xã Long Điền Tây, H. Đông Hải

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, TP Hà Nội

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

Số 9 - Đường 3A - KCN Biên Hoà 2 - TP. Biên Hoà - Đồng Nai

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Lô A 5, Đức Hoà 1, Đức Hòa, Long An

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

KCN Bàu Xéo, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Phòng 303, tầng 3, nhà A7, số 10 Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Số 16 - Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

Tầng 4 tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, Tp Hà Nội